Skip to main content

HỢP

Hợp nghĩa là hai chi đối xứng trục gọi là nhị hợp:

  • Tý – Sửu
  • Dần – Hợi
  • Mão – Tuất
  • Thìn – Dậu
  • Tỵ – Thân
  • Ngọ – Mùi

Có hai loại Hợp: Tĩnh và Động

Tĩnh Hợp gồm Nhật, Nguyệt hợp, hào động hợp. Nhật Nguyệt hợp hào có tính chất tăng bản chất hào lên nửa bậc, nghĩa suy thành hưu mà hưu thành có vượng, nếu được cả Nhật Nguyệt sinh hay lâm được hợp nữa xem như quá Vượng. Về trường hợp QUÁ VƯỢNG, hầu như ai chưa gặp đều vướng lỗi tại đây, ai cũng biết vượng quá thì chờ mộ, vậy thế nào là quá Vượng ?
Vượng quá là khi 3 Chi sinh cho, hoặc 2 sinh được hợp, hay 2 sinh hoá tiến, hoặc vượng quá được hào đồng hành bổ trợ là được nhật nguyệt sinh, lại được hào động sinh gọi là quá vượng, hay nhật nguyệt sinh, nhật nguyệt hợp, ví dụ ngày Thìn tháng Thìn Dụng Dậu Kim. Khi đấy việc trước thời điểm nhập mộ, chắc chắn hỏng, hỏng vì “chân rời đất”, nếu Thế quá vượng là tượng quá tải do việc. Và mọi thứ chỉ ổn khi hào quá vượng đấy nhập mộ.

Có 2 ví dụ điển hình: Ngày Nhâm Dần tháng Mão, anh bạn hỏi tiền sắp tới, nhưng thực ra là hỏi chiều nay đối tác có trả tiền không, ra quẻ Quán động hào 6, cuối cùng chiều đấy không được tiền, mà đến ngày Mùi mới có tiền, vừa có tiền thì té xe cùng ngày. Ra thế vì Tài hoá sinh khắc Thế, lại kiến Nhật Nguyệt nên quá vượng, đến ngày Mùi Mộ Mộc nên thực khắc Thế, tiền trục trặc vì Tài bị hình. Ví dụ khác là bạn phóng viên nọ đến hỏi cưới được không? Ngày Canh Thìn, tháng Thân gieo ra Lôi Phong Hằng động 5, đoán là đang bế tắc và quá tải do việc này, đến cuối năm cưới được. Đến tháng 12 âm nhận thiệp bạn này. Vì Dụng lâm Nguyệt Nhật sinh, lại được hào 5 hoá tiến trợ nên thành quá vượng. Chờ tháng 12 âm mộ mà thành.

Trái với Nhật Nguyệt sẽ tác động trực tiếp vượng suy của hào được hợp, hào tĩnh hợp mang tính chất bổ trợ thông tin, ví dụ có bạn hỏi kinh doanh ra Bĩ động 6, thì đoán có người làm chung, hợp tính, nhưng làm sẽ thâm hẳn vào vốn, sau ra đúng thế vì Cừu động hợp Tài hợp Thế, các trường hợp khác có thể suy ra từ đấy.

Tiếp đến là Động hợp, chia thành: Hào động bị Nhật Nguyệt, hào biến hay hào động hợp.
Hào bị Nhật Nguyệt hợp, về vượng suy giống như tĩnh hợp, nhưng sẽ khác ở đoạn, bị Nhật Nguyệt hợp, hào động sẽ tạm không động nữa. Ví dụ ngày Mão, hào Tuất nếu động sẽ bị Nhật hợp, mọi thứ liên quan đến Tuất động sẽ bị tạm ngưng đến thời điểm Dậu, tức khi xung hợp của Tuất. Ngoại lệ ở đây là hợp hào Phá động, ví dụ ngày Mão tháng Thìn, Tuất động, Tuất Nguyệt phá, Nguyệt phá chờ hợp trực, nên Nhật ở đây hợp hào Phá mà Phá thành hào bình thường, vẫn động. Hào động có thể là bất kỳ đâu trong Dụng thần, hỏi sức khoẻ người bệnh mà Cừu động hợp ắt đến lúc xung hợp mà mất, nên đề phòng. Với trường hợp hào biến động cũng tương tự, duy nhất khi Tý hợp Sửu, nếu Tý vượng chờ đến lúc Mùi, nếu việc gấp, hiệu suất chỉ 50%, nếu Tý suy hoặc hưu, xem như hoá khắc, không phải hợp.
Với tình huống hai hào động hợp, xảy ra tình huống “cái cân”. Ví dụ: Tuất hợp Mão, thời điểm Dậu, Tuất được xung, thoát hợp, khi đấy Tuất xảy ra tác dụng. Đến Thìn, Mão sẽ thoát mà xảy ra sự kiện Mão. Nhưng, nội tại hào động phải thật sự tồn tại, nghĩa là suy hay hoá khắc đều vứt đi. Ví dụ: Bĩ hoá Hàm, nội tại hào 3 đã mất vì hồi đầu khắc. Ví dụ khác: Tiết hoá Khốn, ngoài việc lục hợp hoá lục hợp, thì các thời điểm xung của chi Thân Tỵ đều xảy ra sự kiện đi kèm tuỳ tình huống. Việc này tương tự hai chi động xung, sẽ nói sau.

XUNG

Xung, nghĩa là hai chi trong quẻ đối nhau theo Nguyên tắc đối xứng tâm:

  • Tý – Ngọ
  • Sửu – Mùi
  • Dần – Thân
  • Mão – Dậu
  • Thìn – Tuất
  • Tỵ – Hợi

Xung cũng chia thành Tĩnh và Động:

Nếu hào Dụng thần tĩnh mà xung hào Thế, là việc cần hỏi sẽ đến bất ngờ với mình, còn thành hay bại, vẫn cần xét tới vượng suy của hào Dụng thần

Nếu hào 1 và hào 4 xung nhau, đây xem là quẻ Lục Xung (Xem bài sau)

Nếu hai hào động xung nhau, thì hai hào động đó tạm thời biến mất, tại thời điểm trùng với địa chi của hào động này sẽ mất hào động kia và ngược lại. Với các quẻ như thế này, một sự việc sẽ chia thành hai giai đoạn, với từng giai đoạn là thời điểm trùng địa chi với hào động này mà mất hào động kia, khi đó, sẽ tính một hào động tác động đến hào.

Ví dụ:

Mão Dậu đều động, thì thời điểm Mão, sẽ mất hào Dậu, khi đó giai đoạn này chỉ tính như một hào Mão động tác động tới quẻ, tới thời điểm Dậu, sẽ mất hào Mão, khi đó giai đoạn này chỉ tính như một hào Dậu tác động đến quẻ

Nếu hào biến xung hào động, trường hợp này tính là Phản Ngâm

Leave a Reply